Săn ngay mã giảm giá mới nhất của TheKid để nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn!

x

Cách dạy trẻ 3 tuổi phát triển toàn diện tinh thần và thể chất

16/03/2023
Cách dạy trẻ 3 tuổi phát triển toàn diện tinh thần và thể chất

Trẻ 3 tuổi nên học gì? Cách dạy trẻ 3 tuổi như thế nào để bé thông minh, ngoan ngoãn và biết nghe lời? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây.


Trẻ 3 tuổi biết làm gì, cách dạy trẻ 3 tuổi là câu hỏi được không ít bố mẹ quan tâm và tìm hiểu. Thời kỳ bé lên 3 sẽ là khoảng thời gian tâm sinh lý bé thay đổi rõ rệt, bé sẽ trở nên nhạy cảm và bướng bỉnh hơn. Điều này đòi hỏi bố mẹ cần quan tâm và tìm hiểu tâm lý của trẻ sâu sắc hơn, để có thể dạy dỗ, chăm sóc con đúng cách.

Vậy trẻ 3 tuổi nên học gì? Cách dạy trẻ 3 tuổi như thế nào để bé thông minh, ngoan ngoãn và biết nghe lời? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây.

Sự phát triển của bé 3 tuổi

Thể chất và vận động

Khi bé được 3 tuổi, các nhóm cơ vận động gần như đã phát triển hoàn chỉnh. Bởi vậy, bé có thể dễ dàng chạy chơi một mình, leo cầu thang, đứng bằng một chân trong thời gian ngắn. Bé rất thích chạy nhảy, hoạt động nên hầu như không khi nào chịu ngồi yên.

Ở độ tuổi này, bé cũng đã có thể tập chạy xe đạp 4 bánh, biết tự rửa tay sạch sẽ, dọn dẹp đồ chơi cá nhân với sự giúp đỡ của người lớn. Bé còn biết tự mình cởi quần áo và mặc quần áo dưới sự giúp đỡ của bố mẹ. Bé có thể trở thành một cá thể độc lập hoàn chỉnh.

Bé rất thích chạy nhảy, hoạt động
Bé rất thích chạy nhảy, hoạt động

Ngôn ngữ và giao tiếp

Khả năng giao tiếp của bé lúc này đã khá thuần thục. Bé đã có thể nói câu dài từ 3 đến 5 chữ, biết phân biệt khái niệm giữa số ít và số nhiều, nói ra được tên các đồ vật quen thuộc và lặp lại các vần điệu, câu hát đơn giản.

Đôi khi, bé có thể kể chuyện cho bố mẹ nghe về những gì bé đã thấy, nghe, hay đọc được. Khi gặp người lạ, bé có thể nói và diễn đạt rõ ràng ý của mình đủ cho người lạ hiểu bé đang muốn nói đến vấn đề gì.

Tâm lý của trẻ 3 tuổi

3 tuổi là khoảng thời gian các bé bắt đầu học cách tự đối phó với các sự việc và tình huống xảy ra xung quanh mình. Ở giai đoạn đầu, trẻ có thể chưa kiểm soát và điều chỉnh được phản ứng của bản thân nên hay xu hướng cáu gắt và giận dữ. Bố mẹ cần nắm bắt được tâm lý và chỉ bảo bé một cách nhẹ nhàng, hãy kiên nhẫn và đừng quát nạt bé.

Bên cạnh đó, trẻ 3 tuổi cũng bắt đầu quan sát về biểu cảm của những người xung quanh và học cách biểu lộ cảm xúc của chính mình như “Con vui quá” hoặc “Con buồn quá”. Giai đoạn này cũng là lúc trẻ bắt đầu phát triển cảm xúc và tâm lý. Vì vậy, để giúp con hiểu rõ và định hình tốt hơn những cảm xúc của chính mình, bố mẹ hãy sử dụng thường xuyên các từ ngữ chỉ cảm xúc trong các cuộc trò chuyện hằng ngày với con, chẳng hạn như buồn, tức giận hoặc hạnh phúc.

Ở tuổi này, trẻ cũng bắt đầu biết đồng cảm với người khác. Bé có thể cảm thấy tổn thương hoặc khó chịu khi ai đó bên cạnh buồn và thậm chí còn cố gắng an ủi hoặc xoa dịu họ. Các bé cũng hay có những hành động thể hiện tình cảm của bản thân với những người xung quanh như ôm, hôn…mà không cần yêu cầu.

Sự phát triển về nhận thức

Ở độ tuổi này, bé sẽ rất hay tò mò và hiếu động. Bé có thể tràn đầy năng lượng chạy nhảy cả ngày và liên tục đặt câu hỏi cho người lớn về một sự vật, sự việc bé quan sát thấy.

Bé có thể biết tên của một số màu sắc và cách đếm một vài chữ số. Lúc này, bé đã có thể hiểu câu nói phức tạp hơn từ mọi người xung quanh.

Nhận thức về mặt thời gian trong tâm trí của trẻ 3 tuổi cũng sẽ được rõ ràng hơn. Bé sẽ hay hồi tưởng lại và kể cho bố mẹ nghe một phần của câu chuyện mà bé biết hoặc đơn giản là những câu chuyện xảy ra tại lớp học. Bé bắt đầu mơ mộng, tưởng tượng và hay chơi các trò chơi do bé tưởng tượng ra ví dụ bé sẽ chơi cùng với búp bê, đồ hàng hay giả làm bác sỹ, công chúa…

Cách dạy trẻ 3 tuổi thông minh và nghe lời

Cho bé chơi trò chơi thông minh

Việc bố mẹ chọn đồ chơi như thế nào ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não của bé. Bé tham gia nhiều trò chơi đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo thì càng kích thích bộ não phát triển. Bố mẹ hãy mua cho bé những bộ đồ chơi thông minh như lắp ghép, xếp hình, vẽ tranh…phù hợp với trẻ từ 3 đến 5 tuổi.

Cho bé chơi các trò chơi thông minh
Cho bé chơi các trò chơi thông minh

Trò chuyện với bé nhiều hơn để bồi dưỡng ngôn ngữ cho trẻ

Khi 3 tuổi, trẻ sẽ có thói quen hỏi “tại sao” cả ngày khiến nhiều bố mẹ, ông bà phải trả lời liên tục. Tuy nhiên đừng vì thế mà phớt lờ hoặc trả lời sai các câu hỏi của trẻ, điều này có thể khiến bé có lối tư duy lệch hướng hoặc không còn muốn tìm hiểu về mọi thứ xung quanh nữa, lâu dần bé sẽ mất đi khả năng tư duy và sáng tạo từ ban đầu.

Để bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ cũng như lối tư duy ở trẻ, bố mẹ nên thường xuyên nói chuyện với con nhiều nhất có thể. Quan trọng bạn phải nói một cách nghiêm túc, nói đúng chủ đề và phát âm chính xác để bé có thể học theo.

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên đọc sách cho con thật nhiều đồng thời rút ra từng bài học từ câu chuyện cho trẻ để vừa có thể tăng vốn từ, vừa biết thêm nhiều bài học thú vị.

Tập cho bé làm các việc cá nhân

Trẻ em 3 tuổi đã có ý thức và làm được các việc đơn giản, nhẹ nhàng nên mẹ hãy để bé tự làm những việc cá nhân để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và sớm tự lập. Để làm được điều này, bố mẹ nên hỗ trợ con những công việc cá nhân từ đơn giản đến phức tạp, cùng bé làm việc nhà.

Tập cho bé làm các việc cá nhân
Tập cho bé làm các việc cá nhân

Dấu hiệu trẻ 3 tuổi cần gặp bác sỹ

Khi nhận thấy, bé 3 tuổi có các dấu hiệu sau đây, bố mẹ nên cho con đến gặp bác sỹ:

  • Trẻ 3 tuổi chậm nói, nói không rõ ràng hoặc thường xuyên chảy nước miếng.
  • Gặp khó khăn khi chơi với các loại đồ chơi đơn giản chẳng hạn như miếng xếp hình, bảng phân biệt hình dạng…
  • Không hiểu những lời nói hoặc chỉ dẫn đơn giản.
  • Không nhìn vào mắt người khác hoặc không giao tiếp bằng ánh mắt.
  • Không muốn chơi đồ chơi hoặc không chơi với những đứa trẻ khác.
  • Thường xuyên bị ngã, đặc biệt khi đi cầu thang.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu được trẻ 3 tuổi biết làm gì và nên dạy trẻ như thế nào. Bố mẹ hãy nhớ rằng, mỗi bé sẽ có một khả năng phát triển khác nhau. Vì vậy, bạn nên để trẻ phát triển một cách tự nhiên.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *