Săn ngay mã giảm giá mới nhất của TheKid để nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn!

x

Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì? Sự phát triển vượt bậc của bé 8 tháng

16/03/2023
Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì? Sự phát triển vượt bậc của bé 8 tháng

Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì là thắc mắc của bậc cha mẹ khi có con ở độ tuổi này. Cùng tìm hiểu thêm sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi tại bài viết dưới đây nhé.


Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì là thắc mắc của bậc cha mẹ khi có con ở độ tuổi này. Thông thường, khi đến giai đoạn này, các bé khiến bố mẹ bận rộn hơn bởi hai bàn tay trẻ hoạt động liên tục, thích thú bò và di chuyển để khám phá những ngóc ngách nhỏ trong ngôi nhà nhỏ của mình.

Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì?

Chiều cao cân nặng trẻ 8 tháng tuổi

Theo tổ chức thế giới WHO, chiều cao cân nặng trung bình đạt chuẩn của trẻ 8 tháng tuổi đó là:

  • Chiều cao trung bình của bé trai giai đoạn này là 70,6 cm và với bé gái là 68,7 cm.
  • Cân nặng trung bình của bé trai 8 tháng tuổi là 8,6 kg và tương tự 7,9 kg đối với các bé gái.

Thể chất và vận động

Vận động thô

Sự phát triển vận động thô của bé 8 tháng tuổi được thể hiện qua các đặc điểm sau:

  • Bé có thể tự ngồi dậy, đôi lúc đầu vẫn gập về trước nhưng hầu như bé đã có thể dùng hai tay để chống đỡ thân người.
  • Khi nằm ở nơi bằng phẳng, bé sẽ vận động liên tục, còn biết cầm chân của mình hoặc bất cứ vật gì ở bên cạnh để cho vào miệng.
  • Tự động lật người.
  • Khi nằm ngửa, bé biết cong lưng lên để mình có thể nhìn được xung quanh.
  • Bé bắt đầu bò đến những nơi mà bé muốn đến, hoặc bé cũng có thể ngồi lết để di chuyển.
  • Có thể vịn vào vật để đứng lên; nhưng sau khi đứng lên, bé cần có sự giúp đỡ của người lớn mới có thể ngồi xuống được.
  • Biết tự vươn tay để lấy đồ chơi, cũng bắt đầu học cách nhặt đồ chơi.

Vận động tinh

  • Bé đã có thể dùng ngón trái, ngón trỏ, ngón giữa để cầm khối xếp hình; biết phối hợp ngón cái và ngón trỏ để cầm đồ vật và nhặt những vật nhỏ từ dưới đất lên.
  • Cố găng lấy đồ chơi nhưng chưa giữ được lâu nên thường ném hoặc thả rơi đồ vật sau khi nắm bắt được.
Bé biết cầm chân của mình để cho vào miệng
Bé biết cầm chân của mình để cho vào miệng

Thị lực

Sự phát triển thị lực của trẻ thể hiện thông qua các đặc điểm như sau:

  • Thị lực của trẻ trước đây ở khoảng 20/40, nay đã phát triển gần như người lớn về mức độ rõ ràng và độ sâu.
  • Thị lực tầm xa của trẻ cũng đủ tốt để nhận ra mọi người và các vật trong phòng.
  • Bé 8 tháng tuổi có thể nhìn thấy món đồ chơi ở góc xa và bò về hướng đó.
  • Biết phối hợp tay và mắt thành thục hơn, trẻ thích khám phá những đồ vật một cách chi tiết, trẻ sẽ ngắm những bức ảnh không biết chán.

Nhận thức và cảm xúc

  • Trẻ phân biệt được người quen và người lạ, sẽ tỏ ra vui mừng khi gặp người thân quen và tỏ ra cảnh giác, sợ hãi khi tiếp xúc với những người lạ mặt.
  • Bé sợ, lo lắng khi phải xa bố mẹ
  • Bé sẽ tỏ ra hiếu kỳ và phấn khích khi nhìn thấy sự vật mới. Khi nhìn thấy mình trong gương, bé sẽ ra phía sau gương để tìm kiếm.
  • Bắt đầu quan sát hành vi của người lớn, khi người lớn đứng trước mặt bé và đưa hai tay để gọi bé, bé sẽ cười và đưa tay ra để đòi bế.
  • Biết bắt chước hành vi của người lớn.
  • Có thể nghe hiểu lời nói và tình cảm của người lớn, dần dần biết cách phân biệt tâm trạng của người lớn, như khi được khen, bé sẽ cười vui sướng; khi bị mắng, bé sẽ xị mặt xuống; khi thấy mẹ vui vẻ thì bé sẽ cười…
Bé tỏ ra vui mừng khi gặp người thân quen
Bé tỏ ra vui mừng khi gặp người thân quen

Lưu ý khi chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi

Gia đoạn 8 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ, bố mẹ cần đảm bảo bé bú tối thiểu 720ml mỗi ngày. Ngoài ra, bố mẹ cần bổ sung thêm các khoáng chất và vitamin khác cho bé thông qua các bữa ăn dặm.

Giai đoạn này, bố mẹ nên đọc sách, truyện cho bé và cho bé nghe nhạc, hãy lựa chọn các loại sách truyện vui nhộn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Bé 8 tháng tuổi rất thích thú với các loại đồ chơi có màu sắc đẹp, hình ảnh dễ thương như xe ô tô, búp bê,… Bé cũng rất hào hứng với dụng cụ tạo ra âm thanh như đàn, trống,… Bố mẹ có thể tập cho bé ngồi chơi với các loại đồ chơi, rèn luyện cho bé tính cách độc lập trong khi Mẹ đang bận rộn nấu ăn hay làm việc nhà.

Bố mẹ cần bổ sung thêm các khoáng chất và vitamin khác cho bé thông qua các bữa ăn dặm
Bố mẹ cần bổ sung thêm các khoáng chất và vitamin khác cho bé thông qua các bữa ăn dặm

Khi nào nên đưa trẻ 8 tháng tuổi đi gặp bác sỹ

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bạn nên đưa trẻ 8 tháng tuổi đến gặp bác sĩ để khám nhằm phát hiện kịp thời tình trạng bất thường:

  • Bé không thể tự ngồi ngay cả khi có sự giúp đỡ từ người lớn hoặc có những tư thế khác thường, dễ dàng bị ngã xuống trong lúc tập ngồi thì đây có thể là dấu hiệu chỉ ra một số tình trạng rối loạn.
  • Cơ bắp cứng, cánh tay và chân trẻ vẫn nắm chặt hoặc co lại theo kiểu cuộn tròn khi bạn giúp con đứng thẳng, chân của bé phải chạm vào mặt đất một cách tự nhiên.
  • Không tạo ra tiếng động, âm thanh nào.
  • Không nhận diện được gương mặt thân quen.
  • Ánh nhìn khác thường, khó khăn trong việc tập trung để tìm kiếm nơi nào phát ra âm thanh hoặc không thể theo dõi kịp các vật thể đang chuyển động chậm.

Trên đây là những thông tin giúp bố mẹ nắm rõ được trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì để từ đó áp dụng phương pháp nuôi dạy giúp bé có được sự phát triển tốt nhất.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *